BỆNH VIÊM KẾT MẠC
Cập nhật lúc: 10/04/2019
5527
Viêm kết mạc hay có tên là bệnh đau mắt đỏ là một bệnh mắt rất phổ biến. Bệnh được biểu hiện bởi mắt đỏ và có ghèn.
Viêm kết mạc cấp xảy ra ở tất cả lứa tuổi và tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời gian giao mùa, là thời gian hay xuất hiện những đợt dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp cấp.
1. Các nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc bao gồm:
- Do virus: Là nguyên nhân hay gặp nhất, trong đó khoảng 80% là Adenovirus. Bệnh dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân.
- Do vi khuẩn: Bao gồm các loại vi khuẩn như tụ cầu, Hemophilus influenza,... bệnh lây qua tiếp xúc dịch tiết hay vật dụng có dính dịch tiết chạm vào mắt. Có thể gây tổn thương nặng khi không được điều trị.
- Do tác nhân gây dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc,...): Xuất hiện trên những người có cơ địa dị ứng, bệnh thường xuất hiện tái đi tái lại có thể xuất hiện theo mùa. Không lây và muốn điều trị dứt điểm phải tìm được tác nhân gây dị ứng.
2. Triệu chứng:
2.1. Triệu chứng viêm kết mạc do virus:
- Kết mạc mắt đỏ.
- Ngứa, chảy nước mắt, cảm giác cộm xốn mắt.
- Phù mi, có thể xuất hiện giả mạc ở mắt.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng kèm theo như: Ho, hắt hơi, sốt, viêm họng, nổi hạch.
- Khi có biến chứng: Cảm giác chói mắt, giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc.
- Có thể bị một hoặc hai bên.
2.2. Triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn:
- Ngứa, chảy nước mắt.
- Xuất hiện gỉ mắt màu xanh hay vàng dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.
- Kết mạc mắt đỏ.
- Trường hợp nặng gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.
- Có thể bị một hoặc cả hai bên mắt.
2.3. Triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng:
- Bệnh có thể xuất hiện theo mùa, hay tái phát.
- Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều.
- Thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
- Bệnh xảy ra ở cả hai mắt.
3. Bệnh được lây truyền qua nhiều cách:
- Qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi.
- Qua đồ dùng cá nhân, khăn tay nhiễm nguồn bệnh.
- Qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi).
Vì vậy bệnh rất dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
Bệnh VKM cấp có thể giới hạn ở một mắt nhưng thường xảy ra ở hai mắt. Bệnh nhân thường có những cảm giác ở mắt như nóng rát, đau, nặng mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt, đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ. Nếu bệnh nặng mắt sẽ sưng nhiều, kết mạc đỏ rực, đôi khi xuất hiện hạch vùng tai.
4. Diễn tiến:
Ngay cả khi không điều trị bệnh có thể sẽ khỏi sau 12 đến 14 ngày. Thường bệnh không để lại biến chứng. Nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc. Những biến chứng này thường xảy ra ở người thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc không đúng cách. (Đây là nguyên nhân thường gặp nhất)
5. Điều trị:
5.1. Điều trị phòng ngừa:
- Sử dụng khăn mặt, vật dụng cá nhân riêng trong nhà và nơi học tập làm việc.
- Không dụi mắt, che miệng mũi khi hắt hơi.
- Rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hàng ngày, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh.
- Cẩn trọng khi sử dụng kính áp tròng, cần được khám và tư vấn bởi bác sĩ khi có các triệu chứng khó chịu ở mắt.
- Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi, hóa chất,...
- Tăng cường bổ sung vitamin A, C, E,...
5.2. Điều trị bệnh:
- Rửa mắt với dung dịch NaCl 0.9% 3 lần/ngày.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp dễ chịu.
- Dùng kháng sinh (thuốc nhỏ, thuốc mỡ). Lý tưởng là dựa trên xét nghiệm nhuộm gram và kháng sinh đồ.
- Chườm lạnh đễ đỡ sưng, giúp mắt cảm thấy dễ chịu hơn.
Tóm lại, bệnh viêm kết mạc cấp là bệnh rất phổ biến, Tuy nhiên, khi mắc bệnh cần chú ý tránh lây lan cho cộng đồng và khi có những triệu chứng nặng như ghèn mủ xanh, nhìn mờ, sợ ánh sáng nên đến khám bác sỹ chuyên khoa mắt để được điều trị thích hợp.